Khái niệm, dịch tễ, cơ chế và nguyên nhân động kinh
1. Khái niệm về bệnh động kinh
Động kinh là một hội chứng bệnh lý của não xảy ra thành cơn, do sự phóng điện đột ngột kịch phát và tăng đồng bộ của các tế bào thần kinh vỏ não. Đặc điểm lâm sàng là những cơn rối loạn kịch phát chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan, tâm thần, thần kinh thực vật và ý thức.
2. Dịch tễ động kinh
Tỷ lệ người bị động kinh vào khoảng 0,5 – 0,7% dân số, tức là 500 – 700/100.000 dân. Tỷ lệ mới mắc trung bình hàng năm là 20 – 70 người trong 100.000 dân. Tuy nhiên tỷ lệ trên có sự khác nhau giữa các nước và từng vùng trong một nước. Các nguyên nhân tử vong là do trạng thái động kinh, tự tử và tai nạn khi lên cơn.
– Lứa tuổi: đa số động kinh xảy ra ở trẻ em, khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và đến 75% số người động kinh dưới 20 tuổi. Tuổi càng lớn thì tỷ lệ bệnh động kinh càng thấp, nhưng đến tuổi 60 trở lên tỷ lệ động kinh lại tăng lên, tỷ lệ gặp khoảng 10 trong 100.000 người (P. Loiseau 1990).
– Giới: tỷ lệ động kinh ở nam và nữ tương đương nhau.
– Khoảng 10% đến 20% bệnh nhân động kinh có yếu tố gia đình (Cha, mẹ bị động kinh).
3. Cơ chế bệnh sinh cơn động kinh
– Cơn động kinh xảy do sự phóng điện kịch phát và tăng đồng bộ của các nơron ở não. Sự tăng kích thích các nơron ở não xảy ra do kết hợp hai yếu tố:
+ Ngưỡng co giật thấp (do yếu tố di truyền).
+ Những yếu tố bất thường gây động kinh (tổn thương ở não, rối loạn chuyển hoá, nhiễm độc,…).
– Hai cơ chế chính gây phóng điện kịch phát như sau:
+ Do sự tăng khử cực của màng các tế bào thần kinh: Ở các khu vực các “nơron động kinh” có sự tăng hoạt động giữa các mạng lưới đuôi gai của tế bào thần kinh và có các xung điện ngược chiều đi từ đuôi gai sang sợi trục về thân các nơron bên cạnh.
+ Do giảm hoạt động của chất GABA: Ức chế giải phóng chất GABA (gamma-amino-butyric-acide) là cơ chế bệnh sinh chủ yếu gây nên cơn động kinh. GABA có tác dụng lên tế bào (cơ quan nhận GABA – A) ở vỏ não, tăng ngưỡng chịu kích thích của các nơron vỏ não, đồng thời kiểm soát tính thấm của tế bào với Cl-, Na+, K+, tăng phân cực màng A sẽ dẫn đến xuất hiện cơn động kinh.
4. Các nguyên nhân gây động kinh
– Có nhiều nguyên nhân động kinh tuỳ theo lứa tuổi:
+ Trẻ sơ sinh: Khoảng 1% trẻ sơ sinh có các cơn co giật và thường là động kinh triệu chứng, các nguyên nhân chính là: ngạt lúc lọt lòng, chấn thương sản khoa, chảy máu trong sọ, hạ đường huyết, hạ canxi huyết, hạ magne huyết, hạ natri huyết, thiếu hụt pyridoxin, ngộ độc nước, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương hoặc các nhiễm khuẩn và các rối loạn chuyển hoá khác.
+ Trẻ em: Sau thời kỳ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây xuất hiện động kinh khởi phát trong lứa tuổi trẻ em. Các nguyên nhân thường gặp là: động kinh nguyên phát (không rõ nguyên nhân), bại não (cerebral palsy), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương (viêm não, viêm màng não), tổn thương cấu trúc trong sọ, bệnh chuyển hoá, ngộ độc (thuốc, chì), bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống (thận, gan, bạch huyết), bệnh di truyền, chấn thương…
+ Người lớn: Động kinh nguyên phát, chấn thương, tổn thương cấu trúc não (khối u, chảy máu, dị dạng mạch máu), bệnh mạch máu não (chảy máu não, nhồi máu não), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống, bệnh bẩm sinh, nhiễm độc (rượu, thuốc tâm thần, lạm dụng thuốc), bệnh rối loạn chuyển hoá.
+ Người già: Người trên 60 tuổi, động kinh có thể do u não, ung thư di căn các rối loạn tuần hoàn não, xơ cứng mạch máu não, teo não. Đặc biệt cần quan tâm tới thiếu máu não cấp tính: Weber (1987), Loiseau (1988), Dalangre(1989) và cộng sự nhận thấy 13% trường hợp động kinh ở người ngoài 60 tuổi là do thiếu máu não cục bộ.
– Một số nguyên nhân hay gặp:
+ Động kinh do chấn thương sọ não: xảy ra trong khoảng 1- 5 năm sau khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não kín, chiếm đến 30 – 40 % trong chấn thương sọ não mở. Cơn động kinh thường xuất hiện trong vòng một tháng đến một năm sau chấn thương sọ não. Nếu cơn xảy ra trên 1 năm sau chấn thương sọ não thì gọi là động kinh muộn sau chấn thương sọ não. 80 – 90% động kinh xảy ra trong vòng 10 năm. Vì vậy tiêu chuẩn để chẩn đoán cơn động kinh của bệnh nhân là do nguyên nhân chấn thương sọ não như sau:
. Cơn động kinh đầu tiên xảy ra không quá 10 năm sau chấn thương sọ não.
. Trước khi chấn thương sọ não, bệnh nhân không bị động kinh.
. Sau khi bị chấn thương sọ não, bệnh nhân có mất ý thức hoặc có triệu chứng tổn thương thần kinh khu trú.
. Không tìm thấy nguyên nhân gì khác gây động kinh.
+ Động kinh do u não: Khoảng 50% bệnh nhân bị u não có cơn động kinh, đa số là cơn động kinh cục bộ, u màng não ở thuỳ thái dương, thuỳ trán gây động kinh nhiều hơn cả. Tiền triệu hoặc triệu chứng khởi phát của cơn động kinh giúp cho ta chẩn đoán định khu u não. Ngoài cơn động kinh còn có hội chứng tăng áp lực trong sọ. Hội chứng thần kinh khu trú tuỳ theo vị trí của khối u.
+ Động kinh do bệnh lý mạch máu não: Hay gặp nhất là do u mạch, thông động – tĩnh mạch trong não, chảy máu não và chảy máu màng nhện gặp khoảng 14 – 15%. Huyết khối và tắc mạch gặp khoảng 7 – 8%.
+ Động kinh do di chứng viêm não và viêm màng não: Đa số gặp ở trẻ em, trong tiền sử của bệnh nhân có viêm não, viêm màng não. Ngoài động kinh ra bệnh nhân còn có những di chứng khác: thiểu năng tâm thần, triệu chứng tổn thương các dây thần kinh sọ não, hội chứng bệnh lý bó tháp, ngoại tháp.
+ động kinh do các nang sán lợn ở não, thường kèm theo có nang sán ở cơ, đáy mắt.